Nhân vật chính của câu chuyện hôm nay là một cô gái gốc Hà Nội, chồng người tỉnh lẻ, cả hai đều 30 tuổi, mới cưới nhau được hơn một năm và đang “rung đùi” ở trọ trong một khu phố nho nhỏ gần trung tâm. Mọi thứ đều ổn cho đến khi cơn bão mang tên “mua nhà đi con” ập đến từ phía… bố mẹ.
Câu chuyện này được tôi lượm lặt về từ trên Vén khéo, cũng đáng để suy ngẫm lắm chứ, chỉ xin bậc cha mẹ, đừng tạo áp lực cho con cái mình, bươn chải ở thành phố cũng không sung sướng bao nhiêu. Xin trích nguyên văn tâm sự của chị chủ bài viết như sau:
Mọi người nghĩ sao về việc không mua nhà mà ở trọ ạ
"Em người Hà Nội, chồng e người ở tỉnh, bọn e đang làm công ăn lương ở Hà Nội, 2 đứa đều 30 tuổi. Bọn em mới lấy nhau được 1 năm, đang ở trọ. Dạo gần đây, bố mẹ em liên tục nhắc về chuyện mua nhà cho ổn định. Em đã tìm hiểu giá vài nơi, với tài chính hiện tại của bọn e, nếu mua nhà thì phải vay ngân hàng ít nhất 70% (nếu vay đc người nhà thì khoảng 50%). Em đang sợ nếu mua bọn e sẽ không kham nổi tiền lãi và gốc phải trả hàng tháng, chưa kể có con thì còn tốn thêm 1 khoản kha khá nữa. Nhưng không mua bây giờ, để tích luỹ thêm 1 thời gian thì bọn e sợ sau sẽ không thể mua nổi nhà. Đối với em thì việc ở trọ bây giờ cũng ko có vấn đề gì, nhưng thấy mọi người có nhà cửa ổn định, cộng thêm việc bố mẹ thúc giục như vậy nên e đang cảm thấy rất phân vân. Sau này có con mà vẫn ở trọ thì có phát sinh vấn đề gì lớn không".
“Ổn định”: nhưng là ổn định cho ai?
Đành rằng cũng là suy nghĩ lo lắng cho cuộc sống tương lai của con cái, Với thế hệ cha mẹ, có nhà là có nền móng, có nhà là “an cư lạc nghiệp”, là khỏi lo người ta nhìn vào bảo “lấy nhau xong vẫn chưa có cái nhà để chui ra chui vào”. Nhưng với thế hệ trẻ, có nhà thường đồng nghĩa với có nợ.
Bài toán của vợ chồng trẻ hiện tại là: nếu mua nhà bây giờ thì phải vay 50–70%, hàng tháng ôm về một cục nợ gốc lẫn lãi to tổ bố, trong khi lương vẫn vậy, giá sữa chưa hề có dấu hiệu giảm, và chi phí nuôi con sắp tới thì… nghe thôi đã muốn đăng ký ở lại kiếp trước.
Ở trọ tội tình gì?
Nhiều người vẫn mặc định: “Ở trọ là tạm bợ, là chưa trưởng thành, là chưa thành công”. Nhưng thực tế, ở trọ hay ở nhà mình không quyết định giá trị của bạn, càng không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình nếu bạn quản lý cuộc sống tốt.
Thử tưởng tượng: thay vì vác gánh nợ vài chục năm, chúng ta có thể dành tiền để đi du lịch mỗi năm, học thêm kỹ năng, đầu tư tài chính, và khi có con, sẽ không phải tính từng đồng để trả ngân hàng. Ở trọ có thể không phải “căn cứ địa lâu dài”, nhưng ít nhất không đè lên vai gánh nặng tâm lý quá lớn trong giai đoạn cả hai vẫn đang tích luỹ.
Ở trọ cả đời có sao không?
Có người ở trọ cả đời, vẫn sống vui, sống khoẻ, sống có ích, vẫn nuôi dạy con cái đầy đủ, và vẫn có chỗ để gọi là “nhà”. Điều quan trọng hơn cả là có nhau, có sự ổn định trong tâm lý, tài chính và tình cảm chứ không nhất thiết phải có cái sổ hồng đứng tên.
Ở châu Âu, Nhật hay Mỹ, chuyện thuê nhà cả đời là bình thường. Nhiều người trẻ thậm chí chọn thuê thay vì mua, để giữ sự linh hoạt cho công việc và cuộc sống. Quan trọng là họ thuê với tâm thế chủ động, không tự ti, không coi mình “kém cỏi” vì không có nhà.
Tóm lại...
Ở trọ hay mua nhà, mỗi lựa chọn đều có cái giá của nó. Mua nhà là đầu tư cho tương lai, nhưng nếu tương lai đó bắt đầu bằng… stress tài chính, thì cũng đáng cân nhắc lại,
Nếu ở trọ giúp chúng ta sống thoải mái, tự do và ít áp lực hơn thì đó không phải là “thiếu ổn định”, mà là lựa chọn thông minh. Đôi khi, “ổn định” không nằm ở cái nhà, mà nằm ở việc mỗi tháng không bị dí nợ.
Và biết đâu, sau 5 năm tích luỹ, khi tài chính vững vàng hơn, thị trường có nhiều lựa chọn hơn, căn nhà mơ ước sẽ đến một cách nhẹ nhàng và xứng đáng hơn rất nhiều.
Còn giờ? Pha ấm trà, ôm nhau trên sofa phòng trọ, bật Netflix lên coi tập mới, nhà thuê nhưng bình yên là thật.