Có người cho rằng đây là bước đi cần thiết để đảm bảo công bằng, minh bạch trong thuế, bồi thường và giao dịch đất đai. Nhưng cũng không ít người lo ngại rằng, liệu việc “đưa giá ảo vào sổ sách” có vô tình hợp pháp hóa những cơn sốt đất phi lý trước đó?
Trong thực tế, giá đất thị trường ở nhiều nơi đã vượt xa bảng giá đất của Nhà nước – có nơi cao gấp 5 đến 10 lần. Điều này khiến việc thu thuế chuyển nhượng thấp, bồi thường giải phóng mặt bằng gây tranh cãi, và thất thoát ngân sách không nhỏ. Do đó, việc cập nhật bảng giá đất gần với giá thị trường là yêu cầu tất yếu để tạo sự công bằng, đặc biệt với người dân bị thu hồi đất.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: "Giá thị trường" ấy có thực sự phản ánh giá trị thật, hay chỉ là hệ quả của đầu cơ, thổi giá, và tâm lý bầy đàn trong các đợt sốt đất?"
Nếu lấy những mức giá từng bị "thổi" lên làm chuẩn mực để định giá lại toàn hệ thống, điều gì sẽ xảy ra?
Thứ nhất, chi phí sử dụng đất của doanh nghiệp sẽ tăng mạnh, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở và công nghiệp.
Thứ hai, người dân có đất nông nghiệp, đất vườn… muốn chuyển đổi sẽ phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn rất nhiều, gây khó khăn cho người ở thật, đầu tư thật.
Và cuối cùng, nếu không kiểm soát chặt, việc tiệm cận giá thị trường có thể trở thành "bình phong hợp pháp" cho các vùng sốt ảo, chốt lời cho một số nhóm lợi ích, thay vì bảo vệ số đông người dân.
Minh bạch là cần thiết. Nhưng minh bạch dựa trên cái gì mới là điều cần được bàn sâu hơn.
Thị trường cần điều tiết, không phải “sao chép”.
Nếu không có cơ chế kiểm soát, công cụ kỹ thuật số độc lập để đánh giá giá trị thực, và sự minh bạch trong từng vùng quy hoạch, thì bảng giá đất mới có thể vô tình hợp pháp hóa những mặt bằng giá bất hợp lý, khiến giấc mơ sở hữu đất, nhà ở ngày càng xa vời với đại đa số người dân.