1995 – 2005: Giai đoạn khởi đầu
Vào những năm 1990, đất nước đang trong quá trình dịch chuyển từ nền kinh tế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Năm 1995 đánh dấu cột mốc phát triển đặc biệt quan trọng, khi cùng lúc Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập cộng đồng các nước Đông Nam Á (ASEAN). Những sự kiện này đã đẩy nhanh quá trình hội nhập, mở cửa giao thương, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế thị trường sâu rộng hơn và nâng cao trình độ tương ứng với chuyên môn quốc tế.
Song song với quá trình hội nhập là những cải cách pháp lý quan trọng, đặc biệt là Luật Đất đai năm 1993, cho phép cá nhân và tổ chức doanh nghiệp chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong một số điều kiện nhất định, tạo ra nền tảng pháp lý cho sự hình thành của thị trường bất động sản và phát triển đô thị hiện đại. Trong giai đoạn này, các cải cách về kinh tế và pháp luật đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu về đất đai, dẫn đến sự gia tăng đáng kể của giá trị bất động sản.
2006 – 2015: Giai đoạn tăng trưởng nhanh và biến động
Giai đoạn 2006 - 2008 đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế khi quốc gia chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tăng trưởng vốn đầu tư và quá trình công nghiệp hóa gia tăng mạnh mẽ đã thúc đẩy nhu cầu lớn về dịch vụ bất động sản.
Trong năm 2008, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản đạt mức kỷ lục 23,6 tỷ USD. Thị trường ghi nhận hoạt động sôi nổi từ các chủ đầu tư trong việc triển khai dự án nhằm đáp ứng nhu cầu về văn phòng, nhà ở và các công trình dịch vụ lưu trú.
Tuy nhiên, vào năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tạo ra những tác động đáng kể. Thị trường bất động sản trong thời gian đó rơi vào tình trạng thanh khoản cạn kiệt, điều kiện tín dụng bị thắt chặt và nhiều dự án bị đình trệ hoặc ngừng triển khai. Thị trường rơi vào giai đoạn suy giảm nghiêm trọng, buộc các khối cơ quan quản lý và các tổ chức tư nhân phải rà soát lại chiến lược phát triển, cơ cấu danh mục đầu tư cũng như các ưu tiên dài hạn.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành một loạt cải cách pháp lý then chốt, bao gồm những sửa đổi về Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (2013). Các bộ luật này góp phần bảo vệ quyền lợi người mua, làm rõ các quy định liên quan đến quyền sử dụng đất, siết chặt quy định đối với chủ đầu tư, đồng thời cho phép cá nhân nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam.
Thông qua việc nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp trong thị trường, Chính phủ đã góp phần khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Những cải cách này giữ vai trò quan trọng, khi vừa hạn chế đầu cơ, vừa thu hút vốn đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư dài hạn, từ đó tạo điều kiện để thị trường bất động sản phục hồi, điều tiết và phát triển bền vững.
2016 - 2025: Giai đoạn ổn định, đối mặt thách thức chưa từng có
Từ năm 2016 - 2025, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam duy trì ổn định với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt từ 6-7% mỗi năm. Dân số trẻ, thu nhập trên đầu người được cải thiện và quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch bất động sản với hầu hết các phân khúc.
Trong bối cảnh đó, thị trường nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM đã ghi nhận tốc độ phát triển vượt bậc. Riêng năm 2018, số liệu của Savills cho thấy nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM đạt gần 39.000 căn, tăng 33% so với năm trước đó. Tại thị trường Hà Nội, 2019 là thời điểm sôi động nhất với 44.000 giao dịch nhà ở. Giai đoạn 2016-2024, Hà Nội đã đón nhận khoảng 230.000 căn nhà ở mới, trong đó căn hộ chiếm khoảng 90% nguồn cung.
Phân khúc bất động sản thương mại đồng thời tăng trưởng nhanh. Tại Hà Nội, tổng nguồn cung văn phòng tăng từ 1 triệu m2 trong năm 2016 lên hơn 2,33 triệu m2 vào cuối năm 2024. Một số công trình nổi bật đóng vai trò dẫn dắt thị trường có thể kể đến như Lotte Center Hanoi, Keangnam Landmark Tower, Capital Place và Lotte Mall West Lake.
TP.HCM ghi nhận sự gia tăng tương tự, với nguồn cung văn phòng tăng từ 1,8 triệu lên 2,8 triệu m2 trong cùng giai đoạn. Các dự án nổi bật như The Nexus, Riverfront Financial Centre, The Hallmark, The Mett, Phu My Hung Tower và Friendship Tower phản ánh nhu cầu ngày càng lớn về không gian làm việc hiện đại của doanh nghiệp trong nước và tập đoàn quốc tế.
Phân khúc bán lẻ cũng có bước chuyển mình rõ nét. Trong giai đoạn này, diện tích bán lẻ tại Hà Nội tăng từ 1,1 triệu m2 lên 1,8 triệu m3; TP.HCM tăng từ 1 triệu m2 lên 1,6 triệu m2. Đơn cử như dự án Vincom Center Trần Duy Hưng, Lotte Mall West Lake (Hà Nội), Crescent Mall Giai đoạn 2, Landmark 81 Retail Podium và Estella Place (TP.HCM) đã góp phần tái định hình trải nghiệm tiêu dùng của đô thị hiện đại.
Sự biến động do đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn sự phát triển của thị trường. Nhiều dự án bị trì hoãn, đứt gãy chuỗi cung ứng và hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh chóng. Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát tín dụng chặt chẽ và quy trình rà soát pháp lý nghiêm ngặt đã tạo thêm áp lực lên các chủ đầu tư. Giai đoạn hậu đại dịch tiếp tục đặt ra nhiều thách thức: tình trạng lệch pha cung - cầu, thiếu hụt nhà ở giá rẻ, chính sách tín dụng thắt chặt, giá bất động sản cao và sự thiếu minh bạch về pháp lý đã tác động đến tâm lý thị trường.
Neil MacGregor - Tổng giám đốc Savills Việt Nam