Thị trường căn hộ tại hai đô thị lớn đang dựng lên một mặt bằng giá... không dành cho số đông. Mà đúng hơn, không dành cho những người đang sống bằng sức lao động của mình – dù họ có thu nhập cao đến đâu.
Tại Hà Nội, giá sơ cấp căn hộ trung bình quý I/2025 đã chạm 83 triệu đồng/m2 (tương đương 3.221 USD/m2), tăng 10% theo quý.
TP.HCM còn “gắt” hơn khi mặt bằng giá trung bình đã lên tới 121 triệu đồng/m2 (4.691 USD/m2), vọt 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều dự án tại trung tâm TP đang chào giá từ 290 đến hơn 500 triệu đồng/m2 thông thủy.
Nghĩa là, một căn hộ 2 phòng ngủ khoảng 70m² tại TP.HCM giờ đây có giá khởi điểm khoảng 8,5 tỷ đồng. Căn “bình dân vừa phải”? Cũng không dưới 6–7 tỷ.
Hãy thử làm một phép tính thực tế:
Thứ nhất: Người thu nhập 50 triệu/tháng, tiết kiệm được 20 triệu/tháng: Cần 25 năm mới gom đủ 6 tỷ – với điều kiện phi lý là giá nhà không tăng.
Một cặp vợ chồng có tổng thu nhập 100 triệu/tháng, tiết kiệm "kỷ luật" 40 triệu/tháng: Mất 12–15 năm để mua được căn 6–7 tỷ. Căn 10 tỷ? Ít nhất 20 năm tiết kiệm liên tục, chưa tính lạm phát, rủi ro hay biến động tài chính.
Và hãy nhớ: Đó là chưa kể chi phí phát sinh, rủi ro thất nghiệp, bệnh tật, hoặc bất kỳ biến cố nào trong cuộc sống – điều hoàn toàn có thể xảy ra trong một đến hai thập kỷ tiết kiệm miệt mài.
Trong quý I, cả thị trường chỉ tung ra vỏn vẹn gần 2.000 căn hộ bình dân, chiếm chưa đến 13% tổng nguồn cung. Phần còn lại là các dự án cao cấp, hạng sang – vốn sinh ra để phục vụ nhà đầu tư hoặc giới siêu giàu.
Để cứu lấy thị trường, cần một cuộc cải tổ toàn diện: từ chính sách kiểm soát giá, quy hoạch hạ tầng hợp lý, đến cơ chế phân phối minh bạch, công bằng. Nhà ở phải được đưa về đúng vị trí của nó: nơi an cư của người dân, chứ không phải công cụ tích sản của một nhóm đầu cơ.