Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có cuộc họp với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản, kết nối trực tuyến với một số địa phương về tình hình thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2025.
Một nội dung đáng chú ý được Phó thủ tướng đề cập đến đó là cần nghiên cứu đánh thuế đối với đất hoang hóa, dự án chậm triển khai, nhưng phải làm thấu đáo, không gây ảnh hưởng đến người dân sử dụng nhà đất hợp pháp, tránh tình trạng đánh thuế trùng, phân biệt rõ người đầu cơ với người sử dụng thật, người kinh doanh hợp pháp với người bỏ hoang, lãng phí tài nguyên.
Giữa lúc hàng triệu người trẻ mòn mỏi vay ngân hàng, ôm nợ 20 năm chỉ để sở hữu một căn hộ 50m², thì đâu đó vẫn có những khu đô thị sang chảnh mà chỉ… cỏ và chim sẻ cư ngụ. Nhà xây xong để đó, không người ở, không đèn sáng, không tiếng trẻ con khóc - chính xác là “bất động sản ngủ đông quanh năm”, gây lãng phí không chỉ tài nguyên mà còn cả niềm tin xã hội.
Đánh thuế nhà bỏ hoang, về cơ bản, là lời nhắc nhở rằng đất đai không thể mãi bị trưng dụng như món đồ sưu tầm, “sưu” thì nhiều mà “dùng” thì không. Việc để nhà trống dài hạn chẳng khác nào bày buffet rồi đậy nắp, trong khi dân tình ngoài kia đang xếp hàng xin suất cơm sinh viên.
Tất nhiên, muốn thu được thuế thì phải định nghĩa rõ: thế nào là nhà bỏ hoang?
Không lẽ cứ không thấy đèn sáng là bị đánh thuế?
Nhiều người đi làm cả ngày, tối về lại bật đèn ngủ, thì đèn điện chẳng tốn bao nhiêu. Có người mua nhà cho con học đại học 2 năm sau, giờ để trống thì tính sao?
Vậy nên, thay vì soi đèn ban đêm, có lẽ nên dựa vào tiêu chí cụ thể: ví dụ như nhà không phát sinh điện, nước quá 12 tháng, không có hợp đồng thuê, không đăng ký cư trú – tức là xác suất “bỏ hoang thật” là rất cao.
Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia đã đi trước ta một bước. Ở Canada, nhà để trống tại Vancouver bị đánh thuế rất nặng, và ngay sau đó, số lượng nhà được đưa vào thị trường cho thuê tăng vọt. Singapore cũng kiểm soát rất gắt với bất động sản không sử dụng, thậm chí phạt nặng các chủ sở hữu cố tình găm hàng.
Việt Nam thì mới chỉ dừng lại ở đề xuất nghiên cứu, nhưng nếu làm tới nơi tới chốn, đây có thể là “liều thuốc đắng” nhưng cần uống để chữa căn bệnh đầu cơ kinh niên.
Tất nhiên, ai cũng hiểu là không ai vui vẻ đóng thuế, nhất là khi căn nhà đó là “niềm kiêu hãnh” của cả dòng họ.
Nhưng thử nghĩ xem, nếu để không mà vẫn bị thuế rút dần, thì chắc chắn chủ nhà sẽ nhanh chóng tính toán lại: bán đi cho nhẹ nợ, cho thuê lấy tiền café, hoặc ít nhất cũng phải gọi người thân lên ở để “ngụy trang”.
Dù sao đi nữa, tài sản cũng sẽ được vận động, và xã hội thì sẽ bớt cảnh “người thì không có nhà, nhà thì không có người”.
Đánh thuế bất động sản bỏ hoang không phải để “trừng trị” ai, mà là một cái gõ cửa nhẹ nhàng: “Anh chị ơi, tài sản quý thì quý, nhưng nếu không dùng thì chia sẻ một tí, xã hội cảm ơn nhiều lắm!”
Nếu làm đúng, làm minh bạch và linh hoạt, đây sẽ không chỉ là chính sách tài chính, mà còn là một thông điệp đạo đức: đừng để đất đai thành của để ngắm, trong khi cả xã hội đang khát khao một chốn an cư.