Đó là nghịch lý mà hàng triệu người thuê nhà tại Việt Nam đang âm thầm trải qua: sống ổn định, lâu dài, nhưng luôn ở trong trạng thái… tạm bợ.
Chị Hoa (27 tuổi) là nhân viên một cửa hàng hoa tươi ở Hà Nội, thuê nhà ở đất này đã được gần 6 năm trời. Mỗi năm đều đặn, chị chăm chút cho căn nhà nhỏ từng thứ 1, sơn sửa lại tường hằng năm, decor nhà mới mẻ đẹp hơn. Nhưng đùng một cái, mới đây chủ nhà đã đòi lại nhà để bán và cho chị Hoa 30 ngày dọn đi.
Nghe phũ phàng, nhưng thực tế không phải chị Hoa mà nhiều người bạn của mình cũng đã từng rơi vào cảnh như vậy. Tìm nhà không kịp lại xin ở cùng mình.
Trường hợp của chị Hoa không hiếm. Người thuê sống nhiều năm, đóng tiền đúng hạn, sửa sang nhà cửa, thậm chí… nuôi cả cây xanh, nhưng có thể bị yêu cầu rời đi bất cứ lúc nào.
Luật lệ nghiêng về bên nào?
Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định rõ: chủ sở hữu có toàn quyền với tài sản của mình. Người thuê chỉ là bên “được sử dụng tạm thời”, và hợp đồng thuê thường có thời hạn 1–3 năm là cơ sở duy nhất để bảo vệ quyền lợi.
Trong khi đó, các quốc gia như Đức, Hà Lan, Nhật hay Thụy Điển… đã có khung pháp lý chặt chẽ bảo vệ người thuê dài hạn: Họ cấm tăng giá thuê tùy tiện. Họ cấm đơn phương chấm dứt hợp đồng không có lý do hợp lý; Cho phép người thuê cải tạo, sinh sống ổn định như chủ nhà; Hỗ trợ chính sách thuê dài hạn, thậm chí cho thuê trọn đời.
Ở Việt Nam, người thuê vẫn đứng bên lề của mọi chính sách an cư. Không có sổ hộ khẩu, không đăng ký thường trú lâu dài, bị xem là “tạm trú”, dù đã sống cả chục năm tại một nơi.
Khi giá nhà đất ở đô thị lớn tăng chóng mặt, việc sở hữu nhà trở thành giấc mơ quá xa với người thu nhập trung bình, đặc biệt là người trẻ. Vì thế, sống thuê không còn là “hạ sách” mà đang dần trở thành một xu hướng phổ biến.
Tuy nhiên, nếu sống thuê là xu hướng tất yếu thì hệ thống pháp luật cũng cần thay đổi để đảm bảo người thuê được sống an toàn, ổn định và có quyền được gắn bó lâu dài với nơi mình ở.
Cần một khung pháp lý công bằng hơn
Một số chuyên gia đô thị cho rằng, Việt Nam nên bắt đầu xây dựng mô hình “cho thuê chuyên nghiệp” – với các chủ đầu tư lớn, dịch vụ đầy đủ, hợp đồng rõ ràng và pháp luật bảo vệ người thuê như một phần chính thức của cộng đồng.
Cần có các quy định: Hạn chế tăng giá thuê vô tội vạ; Gia hạn hợp đồng thuê tự động nếu không vi phạm; Bảo vệ người thuê khỏi bị đuổi đột ngột khi có tranh chấp chưa rõ ràng; Hỗ trợ đăng ký tạm trú dài hạn, được tiếp cận dịch vụ công như người sở hữu.
Một thành phố văn minh không chỉ có nhà cao, đường rộng mà còn phải có chính sách công bằng cho mọi tầng lớp – kể cả những người không (hoặc chưa) sở hữu nhà.
Khi người thuê được sống ổn định, họ có động lực đóng góp cho cộng đồng, đầu tư vào giáo dục, chăm sóc gia đình và phát triển cá nhân. Họ không còn phải sống với nỗi lo “ngày mai phải dọn đi đâu”.
Ở lâu, có nên được xem như là chủ? Không thể ngang bằng về quyền tài sản. Nhưng chắc chắn, người thuê lâu năm xứng đáng được pháp luật, xã hội và thị trường nhìn nhận với sự tôn trọng và bảo vệ công bằng hơn.