Nghe thì hơi lạnh gáy, nhưng thực tế không ít khu dân cư nằm gần hoặc đối diện các khu chôn cất cũ, nghĩa trang nhỏ xen lẫn trong lòng phố. Giá của những căn nhà kiểu này thường “mềm” hơn đáng kể so với mặt bằng chung. Với cùng một diện tích, vị trí, căn nhà “view mộ” có thể rẻ hơn từ 10-20%, thậm chí nhiều hơn nếu nghĩa trang ngay sát vách. Điều đó khiến không ít người trẻ, nhất là những ai tài chính hạn hẹp, bắt đầu đặt lên bàn cân: liệu sống cạnh những “hàng xóm bất động” có thực sự đáng sợ?
Có người thì né như né tà. Chỉ cần nghe môi giới buột miệng nói “gần chỗ an nghỉ” là lắc đầu cái rụp. Nhưng cũng có người gật đầu không chút do dự: “Người chết còn ít làm phiền hơn người sống”. Họ lý giải bằng đủ thứ logic rất… đời: nghĩa trang không kẹt xe, không mở nhạc lớn, không karaoke giữa trưa, cũng không chiếm lòng lề đường để bán bánh tráng trộn. Có người còn bảo: “Đối diện nghĩa địa thì không sợ bị xây nhà cao tầng che nắng!” – một lập luận mang tính bất động sản học rất nghiêm túc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ “vững tâm” để sống cùng view như thế. Nhiều người chia sẻ rằng họ chẳng có vấn đề gì về tâm linh, nhưng việc mỗi sáng mở cửa sổ ra nhìn thấy bia mộ cũng khiến bữa sáng hơi… kém ngon. Một số người thì thú nhận ban đầu không sao, nhưng lâu ngày bắt đầu cảm thấy trầm trầm, dù chẳng có hiện tượng kỳ bí nào. Cảm giác về cái chết cứ lởn vởn trong tâm trí, nhất là vào những hôm mưa gió, khi cả khu phố ẩm ướt và trời tối sớm hơn thường lệ.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, còn khá nhiều dự án có hướng nhìn ra các khu nghĩa trang.
Có thể điểm tên một số dự án như Tòa nhà Văn phòng HUD TOWER (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có hướng nhìn ra nghĩa trang Quán Dền. Cách Tòa nhà Văn phòng HUD TOWER không xa là dự án Việt Đức Complex, hướng đẹp nhất của dự án này là nhìn ra hồ điều hòa, tuy nhiên lại bị án ngữ bởi nghĩa trang Quán Dền. Rồi dự án Goldmark City (số 136 Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có vị trí nằm ngay sát nghĩa trang Mai Dịch.
Ở góc độ phong thủy, nhiều người tin rằng nhà gần nghĩa địa dễ bị âm khí nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tài vận. Dù chưa có chứng cứ khoa học cụ thể, nhưng tâm lý “ở cho yên” vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ đến lựa chọn nhà đất. Có người mua để ở thì lắc đầu, nhưng đầu tư thì lại gật, bởi họ nghĩ đơn giản: mua rẻ, sau cho thuê lại, người thuê không quan tâm thì cứ thu lời đều đều.
Điều thú vị là có những khu dân cư ban đầu “ế” vì cạnh nghĩa trang, nhưng theo thời gian, khi khu vực lên hạ tầng, có thêm cây xanh, tiện ích, giá nhà vẫn âm thầm tăng. Người mua ban đầu vì không còn lựa chọn nào khác, giờ bỗng thấy mình “sống chung với âm mà lời lãi dương”.
Câu chuyện nhà view nghĩa địa vì thế không còn là chuyện mê tín hay liều lĩnh, mà là một phép thử đầy thực tế giữa tài chính, cảm xúc và quan niệm sống. Với một số người, đó là nơi ở cuối cùng họ muốn chọn. Nhưng với người khác, đó là bước đầu tiên để có một mái nhà trong thời buổi mà giá đất “leo nóc tủ” còn nhanh hơn giá xăng.
Cuối cùng thì bất động sản cũng giống như tình yêu – có người kén, có người liều, và có người… nhắm mắt cho qua. Quan trọng là khi đã “dọn về ở”, ta có sống yên lòng hay không, chứ chẳng phải là cái view ngoài cửa sổ nói lên tất cả.
Còn bạn, nếu chọn, bạn có chọn nhà view nghĩa trang không 😀