Vì vậy, khi Bộ Tư pháp đề xuất áp dụng giá trần cho nhà ở xã hội, tôi thấy đó không đơn thuần là chuyện "siết lại", mà là một bước tiến cần thiết để đưa lại tính "xã hội" cho phân khúc này.
Bộ Tư pháp kiến nghị:
- Áp giá trần cụ thể để hạn chế việc lợi dụng khoảng trống pháp lý.
- Bổ sung cơ chế hậu kiểm giá bán – thuê, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích.
=>> Hiện nay, chủ đầu tư được quyền tự tính giá, miễn là lãi không vượt quá 10%. Nghe hợp lý, nhưng ai sẽ hậu kiểm? Ai đảm bảo không có “chiêu trò” đẩy giá vật tư, đội chi phí quản lý để làm “đẹp” bảng kê? Trong môi trường thiếu giám sát, một quy định tưởng là giới hạn có thể trở thành kẽ hở.
Tôi đồng ý với Bộ Tư pháp: nên có giá trần, và cần một cơ chế hậu kiểm thực sự có răng – không chỉ để bảo vệ người mua, mà để làm minh bạch cả thị trường nhà ở xã hội vốn đang rất dễ bị “bẻ lái”.
Ngoài chuyện giá, Bộ Tư pháp còn đưa ra những đề xuất quan trọng:
- Cơ quan Nhà nước nên trực tiếp xét duyệt đối tượng mua nhà ở xã hội, thay vì giao cho doanh nghiệp – để tránh tình trạng “chọn mặt gửi vàng”.
=> Tôi thấy hợp lý, thay vì để doanh nghiệp tự lựa chọn. Nhà ở xã hội không thể là chỗ “chọn mặt gửi vàng” cho người thân, người quen, hay người có mối quan hệ. Nó phải ưu tiên đúng người, đúng nhu cầu – không đúng chỗ quan hệ.
- Dự án bị chậm tiến độ phải có cơ chế chuyển giao cho đơn vị khác, tránh để đất hoang, dự án dở dang gây lãng phí nguồn lực và niềm tin.
=> Đây cũng là một phương án đáng lưu tâm. Bởi hiện nay, không ít dự án nhà ở xã hội bị “treo” vô thời hạn, gây lãng phí cả quỹ đất lẫn cơ hội an cư của người dân.
🏛️ Bộ Xây dựng nói gì?
Ở chiều ngược lại, Bộ Xây dựng chưa đồng tình với việc áp giá trần ngay lúc này, và cho rằng:
- Luật Nhà ở 2023 đã quy định khung giá do UBND cấp tỉnh ban hành, có thể đóng vai trò như một “giá trần linh hoạt” tùy theo từng địa phương.
- Việc đặt thêm một mức giá trần từ Trung ương có thể làm giảm động lực của doanh nghiệp trong bối cảnh nhà ở xã hội vốn đã có biên lợi nhuận hạn chế.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đồng ý với đề xuất tăng cường cơ chế hậu kiểm để tránh tình trạng “lách luật”.
Về cơ bản, tôi hiểu quan điểm của cả hai bên: Bộ Xây dựng lo việc “trói tay” doanh nghiệp, còn Bộ Tư pháp lo “thả lỏng” quá mức sẽ khiến chính sách mất đi mục tiêu xã hội. Nhưng giữa thị trường và người dân yếu thế, chúng ta không thể mặc định niềm tin vào cơ chế tự điều tiết.
💡 HoREA đề xuất gì?
Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng đóng góp ý kiến: nên cho phép Quỹ nhà ở quốc gia xây nhà để bán cho cán bộ, công chức, người lao động, không chỉ cho thuê/thuê mua như hiện nay.
Cá nhân tôi thấy đây là đề xuất có lý – vì nhóm này cũng rất cần được hỗ trợ nhà ở. Nhưng câu hỏi lớn vẫn là: quỹ ở đâu, cơ chế nào, và làm sao đảm bảo không bị thương mại hóa?
Nếu không kiểm soát kỹ, ranh giới giữa “nhà ở xã hội” và “nhà ở ưu tiên nhóm lợi ích” là rất mong manh.Và nếu thực hiện, cần một cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh tạo ra một "thị trường ngách ưu tiên" dễ bị lợi dụng.
Tóm lại, Nhà ở xã hội không thể chạy theo thị trường – nhưng càng không thể bỏ mặc thị trường tự vận hành
Quan điểm cá nhân, việc áp giá trần là cần thiết, nhưng chỉ là một phần của bức tranh lớn hơn: quy hoạch quỹ đất rõ ràng, kiểm soát chi phí minh bạch, xét duyệt công bằng và giám sát chặt chẽ. Nhà ở xã hội phải trở thành nơi ở đúng nghĩa – không chỉ là “nhà rẻ” – mà là giải pháp bền vững, công bằng và văn minh.
Vì một thành phố đáng sống – không chỉ cho người giàu, mà cho tất cả những ai đang cố gắng sống tử tế mỗi ngày.