Những ngày qua, thông tin Ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị phạt hơn 119 tỷ đồng vì trốn thuế hơn 453 triệu đồng qua việc không lập 7.260 tờ hóa đơn khi cung cấp dịch vụ cho cư dân trở thành chủ đề bàn luận.
Trong đó, tình tiết tăng nặng là ban quản trị chung cư này đã vi phạm nhiều lần. Ngoài hình thức phạt tiền, nhà chức trách buộc ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á phải khắc phục hậu quả bằng cách lập lại hóa đơn và giao cho cư dân.
Trong lòng mỗi thành phố hiện đại, các khu chung cư mọc lên như nấm sau mưa. Mỗi tòa nhà là một thế giới thu nhỏ – có cư dân, có nội quy, có hoạt động cộng đồng, có dịch vụ.
Và ở trung tâm của thế giới ấy là Ban quản trị chung cư – tổ chức bị “ghét nhiều hơn được yêu”, nhưng lại gánh trách nhiệm vô cùng lớn.
Câu hỏi đặt ra: Có nên xem Ban quản trị như một doanh nghiệp thực thụ? Đáp án ngắn gọn: nên. Mà còn nên sớm, nên nghiêm túc, nên có kiểm toán.
Vì dù mang danh “tự nguyện vì cộng đồng”, Ban quản trị không phải là hội phụ huynh của tòa nhà.
Họ quản lý tiền tỷ từ phí bảo trì, quyết định ký hợp đồng với đơn vị vận hành, giám sát chất lượng dịch vụ, xử lý khiếu nại cư dân, thậm chí là đại diện pháp lý cho cả khu nhà.
Đó là công việc tương đương một doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng đang được điều hành bởi một nhóm người bán thời gian, không lương, không KPI, và thường xuyên bị nghi ngờ là “có gì đó mờ ám”.
Nếu là doanh nghiệp thật sự, Ban quản trị cần cơ cấu rõ ràng, trách nhiệm phân minh, tài chính minh bạch, công cụ quản trị hiện đại, và được giám sát bằng cơ chế độc lập như kiểm toán hoặc báo cáo cư dân định kỳ.
Một doanh nghiệp mà không có báo cáo tài chính sẽ bị nhà đầu tư quay lưng. Vậy tại sao cư dân đóng phí hàng tháng lại không được biết tiền của mình đi đâu, tiêu vào việc gì?
Trong khi đó, nhiều Ban quản trị lại hoạt động như một “tổ chức xã hội đặc biệt”, ai rảnh thì làm, ai giỏi hô khẩu hiệu thì lên chức, còn cư dân thì vừa không rõ ràng, vừa không có công cụ phản hồi, giám sát.
Ban quản trị không phải để kiếm lời như doanh nghiệp” là đúng, nhưng chính vì họ không kinh doanh, họ càng cần minh bạch. Họ không được phép sai, vì sai một đồng là mất lòng tin cả nghìn người.
Trong những khu chung cư vận hành tốt, Ban quản trị không chỉ làm tròn vai mà còn chuyên nghiệp hóa vai trò: công khai tài chính bằng phần mềm, có hội nghị cư dân hằng năm, có báo cáo kiểm toán, và có cơ chế xử lý khủng hoảng truyền thông trong group Facebook cư dân – nơi drama bùng phát còn nhanh hơn tin thang máy hỏng.
Đã đến lúc cư dân không chỉ yêu cầu Ban quản trị “có tâm”, mà cần cả “có tầm”. Một tổ chức quản lý tài sản chung của hàng trăm hộ dân cần được vận hành như một doanh nghiệp, có trách nhiệm, có quy trình, có kiểm soát.
Vì sau tất cả, một chung cư vận hành tốt không chỉ là nơi ở, mà là một cộng đồng văn minh, đáng sống. Mà cộng đồng thì không thể ổn nếu “công ty điều hành” cứ mãi ở chế độ… tự phát và cảm tính.