Tuy nhiên, tin vui là trong năm 2026, ánh sáng đầu đường hầm bắt đầu lóe lên, dù hơi yếu ớt, khi nguồn cung dồi dào hơn và mặt bằng giá được dự báo sẽ “mềm mại” ở một vài phân khúc. Vậy có nên hy vọng? Và hy vọng thế nào để không bị… hụt chân?
Trước tiên, hãy điểm qua một vài thông tin “hấp dẫn nhưng hơi buốt ruột”. Theo bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội, một số dự án cao cấp tại Tây Hồ Tây và Ciputra sẽ mở bán trong quý III/2025 với mức giá từ 100 triệu đồng/m². Nghĩa là với căn hộ 70m², bạn cần khoảng 7 tỷ đồng – chưa kể nội thất, chưa kể thuế phí, chưa kể tiền… mua ô nếu muốn giữ xe.
Với số tiền ấy, người mua ở thực (đặc biệt là giới văn phòng, công chức, freelancer viết lách như tôi chẳng hạn) chỉ biết lắc đầu: “Ô hay, mình là người thực mà số lại ảo?” Nhưng đừng vội tuyệt vọng. Vì ngay sau khi “gáo nước lạnh” bằng tin giá siêu cao, bà Hằng cũng mở ra một tia hy vọng: Nguồn cung từ năm 2026 sẽ tăng mạnh, nhờ 148 dự án thí điểm được triển khai theo Nghị quyết 171.
Tin mừng là đây: cung nhiều, cầu chọn lọc, thì những dự án xa trung tâm, vốn bị chê hạ tầng yếu, đi lại bất tiện – có thể phải giảm giá hoặc “chơi chiêu” bán hàng hấp dẫn hơn để kéo khách. Đó chính là cơ hội cho người mua nhà ở thực, những người không ngại xa, chỉ cần đủ rộng, đủ sáng, có chỗ phơi quần áo và không cần phải… bốc thăm mới mua được.
Tuy nhiên, như bất kỳ game sinh tồn nào, muốn mua được nhà, phải lên chiến lược sớm.
Bước 1: Dò sóng thị trường
Từ nửa cuối 2025 đến 2027, Hà Nội dự kiến có thêm hơn 58.000 căn hộ mới. Đây không phải con số nhỏ, đặc biệt khi thị trường đang trong giai đoạn “thanh lọc” và nhà đầu tư lướt sóng đã bắt đầu… hụt hơi. Vậy nên, người mua ở thực nếu biết canh thời điểm và giữ vững tâm lý hoàn toàn có thể “nhặt kim cương trong đống cát”.
Bước 2: Đừng ngại xa
Nếu vẫn nhất quyết “phải ở nội đô”, thì sẽ phải cạnh tranh với đại gia, nhà đầu tư tay to, hoặc ít nhất là người đang sống chung với mẹ chồng mà được “phụ cấp một ít”. Trong khi đó, nếu chịu đi xa hơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức thì cơ hội mua được căn hộ giá dưới 35 triệu đồng/m² là hoàn toàn có thật. Đổi lại, có thể phải dậy sớm hơn 30 phút mỗi ngày, nhưng đổi lại là… có nhà!
Bước 3: Cảnh giác với “bán lúa non”
Trong bối cảnh nhiều dự án ra hàng, người mua cũng cần tỉnh táo trước những lời rao “cọc sớm – lãi to”. Không ít dự án mở bán khi chưa đủ điều kiện pháp lý, hạ tầng còn chưa xong móng, nhưng giá thì đã… bay vút trời xanh. Nên nhớ: mua nhà để ở không phải đầu cơ, không cần thiết phải vội vàng nhảy vào chiếu bạc khi chưa nắm rõ luật chơi.
Bước 4: Đừng bỏ qua căn hộ cũ
Một lời khuyên chân thành cho người mua thực: nếu căn hộ mới vẫn vượt ngoài tầm với, hãy dạo quanh thị trường căn hộ đã bàn giao 3-7 năm. Những dự án cũ hơn, nhưng vị trí ổn, dân cư đông, hạ tầng đã kiểm chứng… đôi khi lại có giá hợp lý hơn, đàm phán dễ hơn và đặc biệt: được nhìn thấy tận mắt cái mình sẽ ở, thay vì tưởng tượng qua nhà mẫu lung linh như… resort 5 sao.
Tóm lại, 2026 chắc chắn là năm người mua nhà ở thực có nhiều cơ hội hơn trước. Nhưng cơ hội thì luôn đi kèm với thử thách. Đừng kỳ vọng giá nhà Hà Nội sẽ giảm mạnh như đồ sale mùa hè, nhưng có thể hy vọng vào việc “giá chững – ưu đãi nhiều – chọn lọc dễ”.