“Tôi không coi ô tô là tài sản, mà là một tiêu sản - một chiếc hộp tiền biết bốc hơi,” anh chia sẻ.
Từ khi đi làm, anh đã theo đuổi triết lý tài chính học được từ cuốn Cha giàu cha nghèo - chỉ chi tiền cho những thứ tạo ra dòng tiền hoặc có giá trị tăng theo thời gian. Nhà đất, với anh, hoàn toàn đáp ứng điều đó. Căn nhà mua từ năm 2018 với giá 3,1 tỷ đồng, hiện có người trả hơn 7 tỷ. Hai căn hộ còn lại cho thuê được hơn 18 triệu mỗi tháng, đủ chi phí và còn dư để tái đầu tư.
Trong khi đó, ô tô, theo anh, là khoản chi tiêu liên tục không tạo ra giá trị gia tăng. “Xe tầm trung 500–600 triệu, mỗi tháng tiêu tốn ít nhất 5 - 6 triệu cho bảo hiểm, gửi xe, xăng, bảo dưỡng… mà lại không tạo ra dòng tiền nào.”
Thay vào đó, anh chọn cách sống “gọn nhẹ”: đi làm bằng Grab, chi phí khoảng 8 triệu/tháng - vừa không phải lái xe lúc cao điểm, vừa không lo tìm chỗ đỗ, thậm chí yên tâm hơn khi đi nhậu vì có tài xế đưa về.
“Nhiều người nói đi xe máy không sang, nhưng với tôi, tự do tài chính, không nợ nần, không áp lực chi phí cố định, mới là sang nhất.”
Anh cũng từng chứng kiến nhiều người trẻ mua xe trả góp 5 - 7 năm trong khi chưa có nhà, chưa có tài sản tích lũy, rồi quay cuồng với áp lực trả nợ chỉ vì “không muốn lép vế”. Với anh, tiêu chuẩn sống không nằm ở hình thức, mà ở sự bền vững và lựa chọn đúng lúc.
“Nếu sau này có con nhỏ, hoặc chuyển ra ngoại ô, tôi có thể cân nhắc mua xe. Nhưng hiện tại, lựa chọn sống tối giản và tài chính vững vàng là điều tôi thấy hài lòng nhất.”
Nguồn: CafeF