Theo CBRE (2024), giá một căn hộ 2 phòng ngủ tại TP.HCM hoặc Hà Nội hiện vào khoảng 4–6 tỷ đồng, với mức tăng trung bình 10–15% mỗi năm. Trong khi đó, thu nhập trung bình của người trẻ chỉ tăng khoảng 4–6% mỗi năm, bắt kịp thị trường là điều gần như bất khả thi.
Hãy thử một phép tính đơn giản:
-
Thu nhập 15 triệu đồng/tháng
-
Tiết kiệm 30% = 4,5 triệu/tháng
-
Sau 22 năm, bạn mới tích lũy được khoảng 1,2 tỷ đồng – tương đương với 30% giá trị căn hộ hiện tại.
Còn nếu bạn muốn “mua đứt” căn hộ giá 4 tỷ? Hành trình đó sẽ mất hơn 70 năm – chưa tính lạm phát, chi phí sinh hoạt và các rủi ro khác.
Chính vì không đủ lực tài chính, nhiều người trẻ chọn giải pháp thuê nhà. Điều này mang lại sự linh hoạt nếu bạn còn đang tìm hướng đi cho sự nghiệp, hoặc chưa có kế hoạch an cư cụ thể.
Tuy nhiên, thuê nhà cũng đi kèm một cái giá:
Nhiều người chia sẻ trải nghiệm mệt mỏi vì phải liên tục chuyển trọ, mất cảm giác ổn định và không thể tạo dựng cuộc sống lâu dài. Theo khảo sát của VietnamWorks (2023), có tới 70% người thuê nhà muốn mua nhưng không thể, do không đủ khả năng tài chính ban đầu.
Một bộ phận người trẻ chọn vay ngân hàng để mua nhà, chấp nhận trả góp từ 10–15 triệu đồng/tháng trong 15–20 năm.
Nhưng nếu không có kế hoạch tài chính cụ thể, cuộc sống dễ rơi vào vòng xoáy căng thẳng: Cắt mọi chi tiêu không thiết yếu; Không dám nghỉ việc; Không còn thời gian tận hưởng ngôi nhà mình đang sở hữu.
Hơn 70% người vay mua nhà thường xuyên rơi vào tình trạng stress tài chính. Ngôi nhà từng là ước mơ có thể trở thành “chiếc lồng son” nếu bạn vay vượt quá khả năng chi trả.