Kế hoạch nghe qua tưởng rất bài bản: gom một lô hơn 600m² từ ba hộ dân, chia thành 4 nền nhỏ, rồi nhờ một nhóm anh em quen biết cùng nhau rao bán, mỗi người đăng tin một nền. Nhưng không ai rao giá giống ai.
“Phải thế mới dễ ‘kéo mặt bằng giá’ lên,” Tuấn nói, vẻ rất đắc ý. Lô đầu tiên được đăng ở mức 12 triệu đồng/m². Sau ba ngày, một người trong nhóm “úp” tin mới, nâng lên 13,5 triệu. Rồi 14, rồi 15. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng hai tuần, và lạ thay rất nhiều người bắt đầu gọi hỏi.
Có người trả giá, nhưng Tuấn không bán. Cậu bảo: “Phải giữ một lô lại, treo giá cao nhất để giữ thế cho mấy lô còn lại. Cứ như kiểu lúa trên ruộng đừng gặt hết.”
Tuấn không phải môi giới. Nhóm bạn của cậu cũng không làm nghề địa ốc chuyên nghiệp. Nhưng họ đang áp dụng chính xác những gì mà nhiều môi giới đã làm thành thục: tạo cảm giác thị trường đang nóng, lôi kéo sự chú ý bằng cách đẩy giá dần từng bước, giả vờ như có nhu cầu thật, để cuối cùng tìm được một người thật… trả giá thật.
Và họ đã thành công – một cặp vợ chồng từ Hà Nội vừa rút sổ tiết kiệm, vừa vay thêm để mua một nền giá 15 triệu/m², với niềm tin rằng: “Chắc gì sang tháng còn mua được giá này.”
Tôi không dám trách Tuấn. Ở một thị trường không minh bạch, thiếu dữ liệu công khai, lại ngập tràn những thông tin định hướng giá từ mạng xã hội, thì việc một nhóm tay ngang “tự chơi” và “tự nâng” cũng chẳng khác gì chuyện thường ngày ở… làng bất động sản. Họ không sai luật, cũng chẳng lừa ai nhưng hệ quả thì vẫn thế: người mua không thể biết giá trị thật, chỉ biết cảm giác đang sắp mất cơ hội.
Bất động sản đôi khi không cần ai “thổi giá”. Chỉ cần vài người chịu chơi… và một người chịu mua.