Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), toàn bộ nguồn cung mới đều thuộc nhóm cao cấp với tổng cộng 3.353 căn hộ, giảm gần 15% so với cùng kỳ và chỉ bằng 18% lượng cung năm ngoái.
Giá bán sơ cấp tại các dự án mở bán trong quý II dao động từ 84 đến 135 triệu đồng mỗi m2. Mức thấp nhất cũng không dưới 55 triệu đồng, đẩy mặt bằng giá trung bình toàn thành phố lên khoảng 77 triệu đồng mỗi m2, theo dữ liệu của Vars và Avison Young. Diễn biến này củng cố trạng thái lệch pha kéo dài suốt từ năm 2024 đến nay, khi các dự án phục vụ nhu cầu ở thực dần biến mất khỏi đô thị lớn nhất cả nước.
Không chỉ TP.HCM, tình trạng mất cân đối nguồn cung cũng diễn ra trên toàn quốc. Trong hơn 36.000 căn hộ mở bán mới nửa đầu năm, hơn 62% có giá vượt mốc 80 triệu đồng mỗi m2, trong khi căn hộ trung cấp chỉ chiếm khoảng 30%, chủ yếu ở các tỉnh thành ngoài hai đô thị trung tâm là TP.HCM và Hà Nội. Phân khúc nhà ở bình dân tiếp tục teo tóp và chỉ được duy trì phần nào qua các dự án nhà ở xã hội nhỏ lẻ, với sản lượng hạn chế.
Các chuyên gia cho rằng biên lợi nhuận thấp và rủi ro tồn kho khiến phân khúc vừa túi tiền không hấp dẫn nhà đầu tư. Đồng thời, chi phí đầu vào như đất đai, nhân công, nguyên vật liệu ngày càng tăng cao càng khiến chủ đầu tư nghiêng về nhóm sản phẩm hạng sang. Dù nhu cầu ở thực cao, nhà giá phải chăng đang ngày càng trở nên khan hiếm và khó tiếp cận với phần lớn người dân đô thị.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nếu tình trạng mất cân đối nguồn cung tiếp tục kéo dài, cấu trúc thị trường sẽ bị méo mó, gây hệ lụy cho tính ổn định và bền vững của thị trường bất động sản. Trong khi đó, bà Phạm Thị Miền từ Viện nghiên cứu bất động sản Việt Nam dự báo giá nhà có thể tiếp tục tăng thêm 8-10% mỗi năm nếu không có thay đổi lớn trong chính sách đất đai, đầu tư công và phát triển hạ tầng.
Giải pháp giãn dân về các khu vực vệ tinh được kỳ vọng sẽ tạo lực kéo, nhưng tác động thực tế vẫn cần thời gian để phát huy. Trong ngắn hạn, thị trường bất động sản TP.HCM có thể vẫn tiếp tục vận động theo hướng “thừa cao cấp, thiếu vừa túi tiền”, một mô hình phát triển nhiều rủi ro nhưng chưa có điểm dừng.
Theo VNExpress