Theo đề xuất đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến, Quỹ nhà ở quốc gia sẽ là một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với vốn điều lệ ban đầu từ 5.000 đến 10.000 tỷ đồng. Quỹ sẽ có hai cấp: Trung ương do Bộ Xây dựng quản lý, địa phương do UBND tỉnh thành lập. Vốn khởi đầu đến từ ngân sách, sau đó có thể huy động từ doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, thậm chí từ đấu giá đất, bán tài sản công hoặc trích từ quỹ đất có sẵn hạ tầng.
Nghe qua, tôi thấy cách tiếp cận lần này khá “thoáng” và thực tế. Không còn chỉ trông vào ngân sách, mà chủ động tìm cách vận hành linh hoạt như một quỹ đầu tư, có thể xoay vòng và thu hút vốn xã hội hóa. Điểm đáng giá nhất là: quỹ này sẽ đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội để cho thuê, ưu tiên những người thực sự khó khăn, người thu nhập thấp, công chức, người lao động chưa có nhà, hoặc đang sống trong điều kiện thiếu thốn. Họ không cần sở hữu, chỉ cần có nơi để ở đàng hoàng.
Tôi nhớ lại một khảo sát gần đây của Batdongsan.com.vn, cho thấy 93% người thuê nhà hiện nay thừa nhận họ không thể, khó hoặc chưa chắc mua được nhà. Ngay cả giá thuê cũng không dễ chịu, với gần 60% mong muốn giá giảm ít nhất 20%. Trong khi đó, nhà ở xã hội vốn được kỳ vọng là chiếc phao cho người thu nhập thấp lại gần như… không thấy đâu.
Chúng ta đã nói rất nhiều về khát vọng an cư, nhưng thị trường thì vẫn không dành chỗ cho số đông. Giá nhà mỗi năm tăng hàng chục phần trăm, trong khi nhà ở bình dân lại biến mất dần trên bản đồ dự án. Nhà đầu tư, doanh nghiệp lo ngại biên lợi nhuận thấp nên không mặn mà với phân khúc này. Nhà nước muốn hỗ trợ nhưng lại vướng cơ chế, thiếu nguồn lực và nhất là thiếu mô hình tài chính bền vững.
Vì vậy, đề xuất lần này nếu đi tới cùng có thể là một bước xoay trục đáng kể. Một quỹ tài chính lâu dài, hoạt động linh hoạt như doanh nghiệp, nhưng gắn mục tiêu an sinh xã hội rõ ràng. Một cơ chế đủ để mua lại nhà tư nhân xây, cải tạo nhà công, thậm chí mua cả nhà ở thương mại để cho thuê lại nghe rất “táo bạo” nhưng lại là hướng đi đáng thử khi thị trường đang bị dồn vào thế tắc.
Tôi cũng hiểu, 5.000 hay 10.000 tỷ không phải con số quá lớn nếu so với nhu cầu thị trường, nhưng quan trọng là nó cho thấy Nhà nước đang nghĩ theo cách mới. Không còn dừng ở những gói hỗ trợ nhỏ lẻ hay cam kết khó thực thi, mà hướng tới việc tạo lập một công cụ tài chính dài hạn, có thể phát huy hiệu quả theo thời gian.
Dĩ nhiên, hiệu quả thế nào còn phụ thuộc rất nhiều vào cách vận hành, giám sát và khả năng phối hợp với địa phương. Nếu không minh bạch, không gắn chặt với nhu cầu thực tế của người dân, quỹ này cũng có thể rơi vào vòng lặp của nhiều chính sách trước: hay nhưng không đến được tay người cần.
Nhưng ở thời điểm này, khi quá nhiều người trẻ phải từ bỏ giấc mơ mua nhà, khi an cư trở thành một “đặc quyền” chỉ dành cho số ít, thì bất kỳ tín hiệu tích cực nào cũng đáng để đặt niềm tin dù là dè dặt.
Tôi hy vọng lần này sẽ khác. Không phải vì số tiền nhiều hơn, mà vì cách nghĩ đã khác: không còn mơ những giấc mơ sở hữu đắt đỏ, mà là những nơi ở thực sự dành cho con người. Để ít nhất, trong lúc giấc mơ lớn còn xa, chúng ta không phải sống trong hoang mang mỗi khi nhìn về phía cửa nhà.