Mức giá này hiện đã ngang ngửa với các căn nhà liền kề tại ven đô như huyện Gia Lâm, Đông Anh.
Đơn cử, tại quận Ba Đình, giá nhà trên các tuyến phố lớn như Nguyễn Công Hoan dao động từ 430 - 520 triệu đồng/m2, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên đường Cao Bá Quát, giá nhà tăng từ 240 - 320 triệu đồng/m2 lên 280 - 370 triệu đồng/m2, tương ứng mức tăng 12 - 15%.
Giá nhà trên phố Ngọc Hà đang dao động từ 310 - 540 triệu đồng/m2 lên 360 - 620 triệu đồng/m2. Trên phố Kim Mã, giá nhà cũng tăng từ 400 - 680 triệu đồng/m2 lên 440 - 730 triệu đồng/m2.
Tại quận Đống Đa, trong vòng 1 năm, giá nhà mặt phố Hoàng Cầu đã tăng từ 380 - 470 triệu đồng/m2 lên 425 - 516 triệu đồng/m2, nhà mặt phố Yên Lãng tăng từ 330 - 490 triệu đồng/m2 lên 370 - 560 triệu đồng/m2.
Tương tự, giá nhà mặt phố Hoàng Ngọc Phách tăng từ 350 - 370 triệu đồng/m2 lên 380 - 440 triệu đồng/m2. Với những tuyến phố như Huỳnh Thúc Kháng vốn giá nhà đã khá cao nhưng vẫn ghi nhận mức tăng từ 7 - 10%, từ 520 - 710 triệu đồng/m2 lên 550 - 770 triệu đồng/m2.
Tại quận Cầu Giấy, mức tăng giá từ 10 - 15% trong vòng 1 năm. Trên tuyến phố Duy Tân, giá nhà đã tăng từ 230 - 520 triệu đồng/m2 lên 265 - 580 triệu đồng/m2. Nhà mặt phố Hoàng Quốc Việt tăng từ 380 - 550 triệu đồng/m2 lên 420 - 600 triệu đồng/m2.
Anh Nguyễn Thanh Bình (42 tuổi - nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại Hà Nội) - nhìn nhận, phân khúc nhà phố tại các quận trung tâm Hà Nội luôn có sức hút, giá trị sử dụng cao, thích hợp để chuyển nhượng, kinh doanh và cho thuê.
Theo anh Bình, các chủ sở hữu có thể khai thác hiệu quả tài sản của mình, thu lại lợi nhuận đều đặn từ việc cho các doanh nghiệp, cửa hàng hoặc văn phòng thuê mặt bằng kinh doanh. Điều này làm tăng sức hấp dẫn của nhà mặt phố dù mức giá bán đã tăng vọt.
Báo cáo thị trường quý I/2025 của chuyên trang Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, mức độ quan tâm tới nhà phố tại các quận trung tâm Hà Nội đã tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: Lao động